Nhà văn Sơn Nam là cái tên không còn xa lạ đối với độc giả yêu thích văn học, đặc biệt là những độc giả miền Nam. Bởi ông là nhà văn chuyên viết về vùng đất, văn hóa và con người Nam Bộ. Với những tác phẩm thành công của mình, ông được nhiều người yêu mến gọi với cái tên là “ông già Nam Bộ” hay là “nhà Nam Bộ học”.
Mục Lục
1. Tiểu sử nhà văn Sơn Nam
Sơn Nam (1926 – 2008) là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nổi tiếng.
Nhà văn Sơn Nam có tên khai sinh là Phạm Minh Tài, sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926, tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang).
Thuở nhỏ, ông học tiểu học tại quê nhà, rồi học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, giành lấy chính quyền ở địa phương, rồi lần lượt tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Bút danh Sơn Nam ra đời trong thời gian này, để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã cho ông bú mớm thời thơ ấu (Sơn là một họ lớn của người Khmer, Nam là để nhắc nhớ mình là người phương Nam). Sau Hiệp định Genève 1954, ông về lại Rạch Giá.
Nhà văn Sơn Nam là một cây bút chuyên viết về Nam Bộ
Đến năm 1955, ông lên Sài Gòn sinh sống và cộng tác với các báo: Nhân loại, Công Lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, Lẽ sống… Giai đoạn năm 1960 – 1961, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam ở nhà lao Phú Lợi (Thủ Dầu Một, Bình Dương). Sau khi ra tù, ông tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về Nam Bộ. Sau 1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông qua đời ngày 13 tháng 08 năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh vì bị suy thận, suy tim và huyết áp tụt thấp. Sau khi ông qua đời, con gái ông đã dựng một nhà lưu niệm trên khuôn viên rộng 1500m2 bên bờ kênh Bảo Định (xã Đạo Thạnh, Mỹ Tho, Tiền Giang). Nơi đây được gia đình dùng làm nơi hương khói cho ông, đồng thời cũng để những người yêu mến ông có thể ghé thăm ông.
2. Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Sơn Nam
Sơn Nam là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nổi tiếng. Có thể nói, suốt đời theo nghiệp viết, nhà văn Sơn Nam chỉ đeo đuổi một đề tài: Tìm hiểu, khảo cứu và ghi chép lại ký ức khẩn hoang của người miền Nam, để qua đó tìm ra giá trị văn hóa cốt lõi con người và vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Điều này đã làm nên giá trị rất riêng ở nhà văn.
Nhà văn Sơn Nam đã viết nên nhiều tác phẩm dấu ấn, ông được nhiều người gọi yêu là “ông già Nam Bộ”, “ông già Ba Tri”, “ông già đi bộ’, “pho từ điển sống về miền Nam” hay là “nhà Nam Bộ học”. Toàn bộ các sáng tác của ông được Nhà xuất bản Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh mua bản quyền.
Tập thơ Lúa reo là tác phẩm đầu tay của Nhà văn Sơn Nam. Tập thơ được Hội Văn hoá kháng chiến Kiên Giang ấn hành năm 1948. Tiếp sau đó là hai truyện ngắn Bên rừng Cù Lao Dung và Tây đầu đỏ. Tuy nhiên, cái tên Sơn Nam bắt đầu được người ta nhớ nhất qua Hương rừng Cà Mau (1962), tiếp sau đó là một loạt các tác phẩm:Chim quyên xuống đất (1963), Hình bóng cũ (1964), Vạch một chân trời (1968), Hai cõi U Minh, Vọc nước giỡn trăng, Bà chúa hòn… Tất cả những sáng tác ấy đến với độc giả một cách dễ dàng bởi ngôn từ bình dị, mộc mạc và thông qua đó người ta hiểu thêm về cách ứng xử của con người đồng bằng.
Năm 1951-1952, nhà văn Sơn Nam đã giành giải nhất cuộc thi văn do Uỷ ban Kháng chiến-Hành chính Nam bộ tổ chức với hai tác phẩm truyện ngắn “Bên rừng Cù Lao Dung” và “Tây đầu đỏ”. Tập truyện ngắn “Hương rừng Cà Mau” xuất bản năm 1962, là một tác phẩm nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của nhà văn Sơn Nam. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều công trình khảo cứu đầy giá trị về Nam Bộ như Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Bến Nghé xưa, Văn minh miệt vườn Gia Ðịnh xưa…
3. Một số tác phẩm đặc sắc của nhà văn Sơn Nam
Hương rừng Cà Mau
Hương rừng Cà Mau gồm 64 truyện ngắn với hơn 900 trang sách, kể những câu chuyện về làng quê, về nông thôn, nhất là vùng quê Tây Nam Bộ. Đến nay, các câu truyện trong Hương rừng Cà Mau vẫn là những câu chuyện hấp dẫn đối với bạn đọc, đặc biệt là đối với bạn đọc không có điều kiện gần gũi quê hương, phải tha phương cầu thực hay đi làm ăn nơi xứ người lạ lẫm.
Những truyện ngắn trong bộ Hương rừng Cà Mau, mở ra những nẻo đường đầy huyền bí, mê hoặc lòng người của vùng đồng bằng Sông cửu Long sóng nước mênh mông, mà đến tận hôm nay vẫn chưa được hiểu hết về giá trị văn hóa – lịch sử. Tác giả đã dựng nên một bối cảnh làng quê đầy sống động, thấm đẫm hồn cốt con người, phong cảnh nhiều vùng đất của miền Tây.
Xóm Bàu Láng
➤ Xem thêm: Tìm hiểu về cuộc đời đời và sự nghiệp của nhà văn Dương Thu Hương
Đây là một truyện dài được nhà văn Sơn Nam viết cách nay gần 40 năm, được đăng trên báo ngày ở Sài Gòn. Tác phẩm đã tạo được sự thích thú nơi độc giả về câu chuyện ở một vùng khỉ ho cò gáy miệt ven biển Tây Nam Tổ quốc thời đầu thế kỷ XX.
Giữa những ngày chiến tranh ác liệt, câu chuyện như một nhắc nhớ về một thời hòa bình, về một vùng quê, về nghĩa tình trong cuộc sống… giúp người dân vùng đô thị có điều gì đó tin tưởng và hoài vọng ở quê hương. Câu chuyện tưởng xưa cũ nhưng chất chứa nhiều giá trị nhân văn của đời sống thôn dã thuở yên bình không giặc giã, cái nghèo về kinh tế không làm người ta nghèo nghĩa khí, tình thương.
Lịch sử khẩn hoang miền Nam
Lịch sử khẩn hoang miền Nam của nhà văn Nam Sơn là tập sách biên khảo về quá trình chinh phục thiên nhiên, thuần hoá đất đai, lập làng dựng nghiệp đầy khó khăn, thử thách của các cư dân Việt trên vùng đất mới.
Bằng kinh nghiệm sống của mình, cùng với việc chắt lọc từ trong vốn tư liệu quý của dân tộc, nhà văn Sơn Nam đã tìm ra lối dẫn đưa chúng ta về với cội nguồn, quá trình thiên di, sinh cơ lập nghiệp của lưu dân Việt trong suốt ba thế kỷ qua. Đồng thời mở ra hướng tiếp cận về con đường mở nước và dựng nước của dân tộc ta ở vùng đất mới Nam Bộ.
Bộ 3 tác phẩm: Đất Gia Định xưa, Bến Nghé xưa, Người Sài Gòn
Với tuyển tập 3 tác phẩm là Đất Gia Định xưa – Bến Nghé xưa – Người Sài Gòn của được Nhà xuất bản Trẻ phát hành, bạn đọc sẽ có điều kiện để hiểu biết thêm về vùng đất gọi là Gia Định xưa (cụ thể là cả Nam Bộ), từ đó hiểu thêm sự hình thành của Bến Nghé (vùng đất Sài Gòn, Gia Định nay là Thành phố Hồ Chí Minh) và tính cách của người Sài Gòn – gần như là đại diện tính cách của người Nam Bộ trong quá trình phát triển, xây dựng từ khi mở đất đến nay. Đây là một tác phẩm dày và bổ ích cho cả người Sài Gòn nay và xưa.
Chuyện xưa tích cũ
Đây là một tập sách được nhà văn Sơn Nam công bố với tư cách là người sưu tầm và viết lại. Những câu chuyện ta gặp ở đây thật quen thuộc như đã từng nghe kể đâu đó qua sách vở hoặc qua truyền miệng, được phổ biến chủ yếu ở vùng đất phương Nam như: Cây kỳ nam, Hoa thủy tiên, Tích về cái yên ngựa, Đôi sam, Cọp được phong thần, Tích núi Bà đen ở Tây Ninh, Bài thơ chợ quán…
Theo chân người tình & Một mảnh tình riêng
Đây là hai trong tác phẩm viết dưới dạng ghi chép – tùy bút của nhà văn Sơn Nam.
Tác phẩm Theo chân người tình là câu chuyện kể về chuyến đi làm cố vấn cho đoàn làm phim “L’Amant” (Người tình) với đạo diễn Jean Jacque Annaud năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX ở các tỉnh Nam Bộ. Không chỉ là kể chuyện đi làm phim mà tác giả còn đưa người đọc đến với thế giới của những kỷ niệm thời niên thiếu của nhà văn Maguerite Duras – người đã từng một thời sống ở Nam Bộ.
Bên cạnh đó, một mảnh tình riêng là một hồi ức không liền mạch về 50 năm sống và viết ở Sài Gòn của tác giả. Tác phẩm giúp bạn đọc hiểu hơn về con người và vùng đất mà tác giả đã đi qua trong phần lớn cuộc đời mình.
Tổng hợp