Tổng hợp các biện pháp tu từ trong Tiếng Việt

Đối với các em học sinh, sinh viên nhất định phải phân biệt được các biện pháp tu từ trong quá trình học tập. Đây cũng là những biện pháp để giúp các em học tốt môn Tiếng Việt, Ngữ Văn trong chương trình học.

Biện pháp tu từ là gì?

Biện pháp tu từ là cách sử dụng các phương tiện ngôn ngữ để có thể diễn đạt được những lời văn hay, đẹp nhất cũng như biểu cảm và hấp dẫn cho người đọc nhất. Hiện nay có khoảng 20 biện pháp tu từ trong Tiếng việt thế nhưng không phải học sinh nào cũng nắm bắt được. Các em thường không hệ thống được các biện pháp tu từ từ vựng và rất dễ nhầm lẫn giữa các biện pháp với nhau. Cụ thể các em hãy đọc những thông tin dưới đây để có thể dễ dàng phân biệt được chúng nhé!

Học tốt các biện pháp tu từ để có thể làm văn hay

Biện pháp so sánh

Đây là một biện pháp được sử dụng khi muốn miêu tả hoặc đối chiếu các sự vật, sự việc với nhau để đưa ra được những nét tương đồng với các sự vật và sự việc khác. Nhằm tăng sức gợi hình cũng như biểu cảm cho bài văn của bạn.

Những dạng cấu trúc so sánh thường hay gặp nhất như: A là B, A như B hay bao nhiêu … bấy nhiêu. Có 2 loại so sánh thường gặp: so sánh ngang bằng (A như B) hay So sánh không ngang bằng (A so với B hơn hay kém)

Ví dụ như:

  • A là B:

“Người ta là hoa đất”

“Quê hương là chùm khế ngọt”

  • A như B:

“Nước biếc trông như làn khói phủ

 Song thưa để mặc bóng trăng vào”

Với:

“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”

  • Bao nhiêu…. bấy nhiêu….

“Qua đình ngả nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”

 Trong đó:

  • A – sự vật, sự việc được so sánh
  • B – sự vật, sự việc dùng để so sánh
  • “Là” “Như” “Bao nhiêu…bấy nhiêu” là từ ngữ so sánh, cũng có khi bị ẩn đi.

Biện pháp Nhân hóa

Là biện pháp dùng những từ ngữ vốn dùng để miêu tả hành động của con người để miêu tả vật, dùng loại từ gọi người để gọi sự vật không phải là người làm cho sự vật, sự việc hiện lên sống động, gần gũi với con người.

Có những dạng nhân hóa thường gặp như:

  • Dùng từ ngữ vốn gọi con người để gọi vật
  • Dùng từ ngữ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động, tính chất của vật
  • Trò chuyện, xưng hô với vật như với người.

Biện pháp ẩn dụ

Là biện pháp dùng sự vật, hiện tượng này để gọi tên cho sự vật, hiện tượng khác. Đồng thời dựa vào nét tương đồng (giống nhau) nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Các cách dùng biện pháp ẩn dụ:

  • Dùng hình ảnh ẩn dụ được dùng bao trùm toàn bộ tác phẩm
  • Dùng hình ảnh ẩn dụ cảm giác: cảm giác của giác quan này được sử dụng miêu tả cho cảm giác của giác quan khác.

Biện pháp hoán dụ

Là biện pháp dùng sự vật này để gọi tên cho sự vật, hiện tượng khác dựa vào nét liên tưởng gần gũi nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Có bốn kiểu hoán dụ thường gặp:

  • Lấy một bộ phận để chỉ toàn thể
  • Lấy vật chứa đựng chỉ vật bị chứa đựng
  • Lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật
  • Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng

Biện pháp điệp ngữ

Là biện pháp dùng từ ngữ (hoặc cả một câu) được lặp lại nhiều lần trong khi nói và viết nhằm nhấn mạnh, bộc lộ cảm xúc khác nhau.

Có nhiều dạng điệp ngữ thường gặp:

  • Điệp ngữ cách quãng
  • Điệp nối tiếp:
  • Điệp vòng tròn: ví dụ như “Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy”

Biện pháp chơi chữ

Là biện pháp lợi dụng đặc sắc về âm, nghĩa nhằm tạo sắc thái dí dỏm hài hước.

Ví dụ:

” Mênh mông muôn mẫu màu mưa

   Mỏi mắt miên man mãi mịt mờ”

Biện pháp nói quá

Là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, qui mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.

Biện pháp nói giảm, nói tránh

Là biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, giảm mức độ để tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề. Đồng thời tránh thô tục, thiếu lịch sự, tránh cảm giác phản cảm và tránh thô tục, thiếu lịch sự. Biện pháp này có tác dụng tăng nhận thức và sự biểu cảm trong diễn đạt.

Ví dụ như:

  • “Bác đã đi rồi sao Bác ơi!”
  • “Bác Dương thôi đã thôi rồi
  • Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta”
Tổng hợp các biện pháp tu từ trong Tiếng Việt

Biện pháp tương đối phản lập

Là biện pháp tu từ dùng từ ngữ biểu thị khái niệm đối lập nhau cùng để xuất hiện trong một ngữ cảnh, để làm rõ hơn đặc điểm của đối tượng được miêu tả.

Ví dụ:

“O du kích nhỏ giương cao sung

Thằng Mĩ lênh khênh bước cúi đầu

Ra thế, to gan hơn béo bụng

Anh hùng đâu cứ phải mày râu”

Biện pháp tu từ Liệt kê

Là sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả đầy đủ, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay tư tưởng, tình cảm.

Ví dụ như:

“Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng

Em đã sống lại rồi, em đã sống!

Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

Không giết được em, người con gái anh hùng!”

                                          Trích Người con gái anh hùng – Trần Thị Lý

Phương pháp học văn hiệu quả

Ngữ Văn là một môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT Quốc gia hiện nay. Là một môn thi quan trọng mà bất cứ thí sinh nào cũng phải vượt qua. Thế nhưng hiện nay không ít các sĩ tử đã phải vất vả thậm chí rất sợ khi nhận được đề văn trên tay, các em rất hoang mang mỗi năm bởi đề văn có những cập nhật mới theo xu hướng của xã hội. Để có thể vượt qua được kỳ thi áp lực phía trước cũng như nắm chắc được các kiến thức các bạn cần phải chú trọng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ôn thi môn Ngữ Văn không chỉ trong khối lượng kiến thức lớp 12 mà còn có cả kiến thức lớp 11. Khi bạn đã nắm trong tay tất cả các kỹ năng làm bài cũng như có được bí quyết ôn luyện hiệu quả thì việc nhận được số điểm cao là điều dễ dàng mà các bạn có thể hoàn toàn có được.

                                                                                    ( Nguồn: Cao đẳng Dược Sài Gòn tuyển sinh tổng hợp )

5/5 - (3 bình chọn)
Back To Top