Trong số những nhà văn hàng đầu của văn xuôi hiện đại Việt Nam, Tô Hoài là nhà văn có sức sáng tạo bền bỉ, là cây bút đa dạng về đề tài và thể loại. Dưới đây, bài viết xin chia sẻ một số nét về tác giả Tô Hoài – cây bút xuất sắc của văn xuôi hiện đại Việt Nam.
Mục Lục
1. Đôi nét về tiểu sử và con người tác giả Tô Hoài
Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen sinh ngày 07 – 9 – 1920 tại làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức – tỉnh Hà Đông (nay là phường Nghĩa Đô – quận Cầu Giấy – Hà Nội) trong một gia đình thợ thủ công. Ông còn có nhiều bút danh khác như: Mai Trung, Duy Phương, Mắt Biển, Hồng Hoa, Vũ Đột Kích,…
Quê quán : xã Kim An – huyện Thanh Oai – tỉnh Hà Tây.
Tuổi thanh niên, Tô Hoài phải trải qua nhiều nghề khác nhau để kiếm sống như : dạy học tư, bán hàng, làm kế toán cho hiệu buôn, … Năm 1938, ông chịu ảnh hưởng của Mặt trận Bình dân và tham gia hoạt động trong tổ chức Hội ái hữu thợ dệt và Thanh niên dân chủ Hà Nội.
Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội văn hóa cứu quốc và bắt đầu viết bài cho báo Cứu quốc và Cờ giải phóng.
Sau Cách mạng tháng Tám, tác giả Tô Hoài làm Chủ nhiệm báo “Cứu quốc”. Ông là một trong số những nhà văn đầu tiên Nam tiến và tham dự một số chiến dịch ở mặt trận phía Nam (Nha Trang, Tây Nguyên…). Năm 1946, ông được kết nạp vào Đảng.
Đến năm 1950, ông về công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam. Từ năm 1957 đến năm 1980, Tô Hoài đã kinh qua nhiều chức vụ khác nhau trong Hội Nhà văn như : Uûy viên Đảng Đoàn, Phó Tổng thư kí, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, Giám đốc Nhà xuất bản Thiếu nhi.
Đến với con đường nghệ thuật từ cuối những năm ba mươi cho đến nay, Tô Hoài đã sáng tác được một số lượng tác phẩm đồ sộ (hơn một trăm năm mươi đầu sách) ở nhiều thể loại khác nhau như : tiểu thuyết, truyện ngắn, kí, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác. Với những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, vào năm 1996 ông được nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
2. Sự nghiệp sáng tác của tác giả Tô Hoài
Tô Hoài là một trong những cây bút xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ông là một cây bút thành công ở nhiều mảng đề tài. Ông viết nhiều, viết hay về Hà Nội xưa và nay, vùng quê ven thành, cuộc sống của nhiều tầng lớp cư dân trong thành phố. Tô Hoài cũng là người có đóng góp to lớn cho sự thành công của văn xuôi viết về miền núi và các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, ông được đánh giá là cây bút xuất sắc ở đề tài truyện ngắn cho trẻ em với nhiều khám phá mới lạ và tinh tế.
Tác giả Tô Hoài nổi tiếng với nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, điển hình là tác phẩm: Dế mèn phiêu lưu ký . Một tác phẩm khác cũng nổi tiếng, viết đề tài người dân Việt Nam, tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” .Với việc đã cho xuất bản khoảng 200 đầu sách, nhà văn Tô Hoài được xem là một trong những nhà văn Việt Nam có nhiều đầu sách nhất từ xưa đến nay.
Tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu kí” ban đầu có tên là “Con dế mèn” được nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội phát hành năm 1941. Sau đó, ông viết thêm 7 chương cuối, đến năm 1955 thì gộp hai truyện vào với nhau để thành truyện “Dế mèn phiêu lưu kí” như ngày nay. Đây là tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Tô Hoài.
Sau Cách mạng tháng Tám, tác giả Tô Hoài thành công với tác phẩm Miền Tây, tác phẩm đoạt giải thưởng Bông sen vàng của Hội Nhà văn Á Phi năm 1970. Và một số tác phẩm khác như: Núi cứu quốc, Một số kinh nghiệm viết văn của tôi, Truyện Tây Bắc, Miền Tây…
Trong sự nghiệp văn chương của mình, tác giả Tô Hoài từng được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật (đợt 1 – 1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Điều đáng nói, một số tác phẩm về đề tài thiếu nhi của ông đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ và độc giả trẻ nhiều nước trên thế giới yêu mến.
Trên đây là một số thông tin tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của tác giả Tô Hoài do bạn Huyền Thu ( học viên Liên thông Cao đẳng Dược Nha Trang) tổng hợp. Bài viết hi vọng đã đêm đến tin tức hữu ích cho bạn đọc.